Socicial Insurance Organ Title

Một số điểm mới về thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2015-2016

Cập nhật: Thứ Sáu, 28/8/2015, 14:52

Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới. Vậy cần có giải pháp nào để tiếp tục giữ vững mục tiêu đã đạt được từ những năm học trước và tiến tới bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT theo quy định của pháp luật?

Thực hiện BHYT HSSV năm học 2015-2016 theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì HSSV thuộc hộ cận nghèo không tham gia BHYT tại trường học mà tham gia theo hộ gia đình cận nghèo tại địa phương (trước đây có thể tham gia BHYT theo đối tượng HSSV nếu HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo); Về mức đóng BHYT HSSV từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%. Trong đó HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự đóng; Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng12 của năm tài chính. Những năm học trước, thẻ BHYT HSSV có giá trị sử dụng từ đầu năm học (đầu tháng 10 hoặc tháng 11, tháng 12) và hết hạn sau 12 tháng (trường hợp thẻ có giá trị sử dụng 12 tháng thì hết hạn vào đầu tháng 10, tháng 11 hoặc 12 năm sau). Theo Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 cũng quy định chi tiết điểm này: Năm nay thu BHYT HSSV theo năm tài chính hạn thẻ kết thúc ngày 31/12 nên hạn thẻ tối đa là 15 tháng, trên nguyên tắc nối hạn thẻ BHYT năm học 2014-2015 hoặc thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi (đối với học sinh lớp 1). Riêng đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày thẻ BHYT hết hạn trong năm 2015 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó (31/5/2016 đối với học sinh lớp 12, 31/7/2016 đối với sinh viên năm cuối). 
 
 
Năm học này về căn bản vẫn đảm bảo quyền lợi cho HSSV khi tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Trong đó, về quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu thì HSSV tiếp tục được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20%. Các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đủ điều kiện tiếp tục được trích quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HSSV. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác) và mức đóng tương ứng đối với từng đối tượng, năm học trước là 10,8% trên tổng số mức đóng; bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số trẻ em dưới 6 tuổi đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, năm học trước không có khoản trích này. 
 
Về mức hưởng BHYT HSSV có một số thay đổi như: 100% đối với HSSV có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên tính đến thời điểm HSSV đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh (20% cùng chi trả) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến thì được hưởng như sau: 70% chi phí KCB so với mức hưởng theo quy định đối với trường hợp KCB tại bệnh viện tuyến huyện;  60% chi phí KCB so với mức hưởng theo quy định đối với trường hợp KCB nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh; 40% chi phí KCB so với mức hưởng theo quy định đối với trường hợp KCB nội trú tại các bệnh viện tuyến trung ương. Từ ngày 01/01/2016, HSSV đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được hưởng như đi KCB theo đúng tuyến.
 
Một số quy định khi HSSV đi khám bệnh, chữa bệnh năm 2014-2015 không được hưởng thì năm nay được hưởng cụ thể như: Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi; Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; Khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm phát luật của người đó gây ra. Tai nạn giao thông do vi phạm phát luật về giao thông; KCB đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.   
 
Với những điểm mới về thực hiện bảo hiểm y tế HSSV năm học 2015-2016 nên đã có một số khó khăn nhất định như: Mức đóng BHYT HSSV tăng lên gấp rưỡi so với trước và bắt buộc tham gia là khó khăn, thách thức lớn của năm học này. Năm học này còn khó khăn hơn khi vừa phải đóng cho 3 tháng còn lại của năm 2015 và đồng thời phải đóng tiếp cho năm 2016. Nếu học sinh năm học trước có thẻ hết giá trị sử dụng vào 30/9 thì năm học này sẽ phải đóng 15 tháng nên số tiền là rất lớn (534.375 đồng) nhất là đối với những gia đình có đông con đi học, gia đình ở nông thôn điều kiện kinh tế còn khó. 
 
Với các khó khăn trên thì cần có nhiều giải pháp có hiệu quả, thiết thực và phù hợp để tiếp tục duy trì ở mức cao tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trong năm học này. Kinh nghiệm từ những địa phương khác, mặc dù mức đóng tăng lên gấp rưỡi là trở ngại lớn, do đó ngoài phần nhà nước hỗ trợ 30%, ở mỗi địa phương cần tạo nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho HSSV, có thể từ ngân sách địa phương, từ sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện, từ các cá nhân có lòng hảo tâm. Mỗi trường học, mỗi xã, phường, thị trấn đều có thể chủ động tìm nguồn hỗ trợ thêm cho học sinh của đơn vị mình; Các sở, ban, ngành tiến hành triển khai luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT số 46/2014QH13 ngày 13/6/2014 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện BHYT bằng nhiều hình thức như: Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện BHYT các cấp và các Ban, ngành liên quan, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Y tế để tuyên truyền vận động HSSV tham gia BHYT theo mục tiêu đề ra và đảm bảo tốt quyền lợi cho học sinh trong CSSKBĐ và khám chữa bệnh theo đúng Luật BHYT, đồng thời thực hiện tốt công tác thu phí và phát hành thẻ BHYT kịp thời cho các nhà trường, hạn chế tối đa sai sót; BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để tích cực tuyên truyền chính sách BHYT trong HSSV để phụ huynh học sinh và HSSV tích cực tham gia, chấp hành tốt Luật BHYT; Các trường tổ chức thu nộp phí BHYT nhanh gọn, thuận tiện, chu đáo, hạn chế tối đa sai sót, đảm bảo tính liên tục khi tham gia BHYT cho HSSV; tiếp tục phát triển mạng lưới y tế trường học và nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ y tế trường học; Ngành Y tế tổ chức KCB tốt ngay từ tuyến y tế cơ sở, đảm bảo quyền lợi KCB cho HSSV tham gia BHYT ở mọi tuyến; BHXH tỉnh phối hợp liên ngành ban hành hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV năm học 2015-2016; Ban chỉ đạo thực hiện BHYT các cấp tăng cường sự chỉ đạo trong công tác BHYT HSSV; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, BHXH tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá công tác BHYT HSSV năm học 2014-2015 và triển khai công tác năm học 2015-2016 theo từng địa bàn.
 
Tham gia BHYT là cơ sở để HSSV được chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện học tập tốt hơn. Công tác BHYT HSSV còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần: vì sức khoẻ học sinh thân yêu, nên mong muốn có sự quan tâm sâu sắc và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính để HSSV ngày càng được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020./.    
Đỗ Xuân Bình
 
 
 

Đăng nhập mạng nội bộ

Số lượt truy cập: 3455756

Đường dây nóng (Hotline): 0234.3 933 983