Socicial Insurance Organ Title

Người lao động suy giảm khả năng lao động: Sẽ nhận được hỗ trợ

Cập nhật: Thứ Sáu, 20/4/2018, 9:37

Quy trình, thủ tục để hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động do TNLĐ-BNN, đối với NLĐ và thân nhân, đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật ATVSLĐ thuộc lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ 1/3/2018.

 

Minh bạch quy trình, thủ tục giám định để hưởng BHXH
 
Theo quy định tại Luật ATVSLĐ và Luật BHXH năm 2014, NLĐ sẽ được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ-BNN; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN.
 
 
Ảnh minh họa
 
Luật BHXH 2014 cũng quy định cụ thể điều kiện NLĐ được hưởng chế độ TNLĐ-BNN là suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, do bị TNLĐ-BNN. Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù 2 mắt hoặc cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp theo quy định, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ-BNN hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ-BNN thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLĐ hoặc bệnh tật do BNN, mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ từ 5 đến 10 ngày.
 
NLĐ có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn, sẽ được hưởng BHXH một lần.
 
Để NLĐ chủ động chuẩn bị, kiểm soát được quy trình, thủ tục thực hiện giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ BHXH, trong Thông tư 56/2017/TT-BYT, Bộ Y tế đã giải thích rõ, cụ thể về thành phần hồ sơ khám giám định lần đầu, hồ sơ khám giám định lại do tái phát trong các trường hợp NLĐ bị TNLĐ-BNN; hồ sơ khám giám định tổng hợp (giám định mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp: Vừa bị TNLĐ vừa bị BNN; bị TNLĐ nhiều lần; bị nhiều BNN); hồ sơ giám định phúc quyết do vượt khả năng chuyên môn; hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất…
 
Cũng theo Thông tư, đối với những trường hợp giám định lại TNLĐ-BNN thì thời hạn giám định lại ít nhất sau 2 năm (đủ 24 tháng), kể từ ngày NLĐ được Hội đồng GĐYK kết luận tỉ lệ suy giảm khả năng lao động do TNLĐ-BNN gần nhất trước đó (trừ trường hợp thương tật hoặc BNN không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ Y tế thì NLĐ được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị).
 
Tuy nhiên, đối với trường hợp mức độ tổn thương do TNLĐ-BNN tiến triển và thay đổi thì Hội đồng GĐYK được kết luận thời hạn lần khám giám định tiếp theo ngắn hơn thời hạn quy định trên. Đối với trường hợp ngoài đối tượng trên, nhưng có bản Tóm tắt hồ sơ bệnh án mới hoặc Giấy ra viện mới, trong đó thể hiện mắc thêm bệnh khác hoặc bệnh đã được giám định thay đổi mức độ nặng lên hoặc nhẹ đi so với tình trạng bệnh, tật được kết luận trong Biên bản GĐYK lần gần nhất thì được đề nghị giám định trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày có bản Tóm tắt hồ sơ bệnh án mới hoặc Giấy ra viện mới.
 
Biên bản GĐYK có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó, với cùng nội dung và mục đích giám định.

NLĐ được quyền yêu cầu giám định lại
 
Theo hướng dẫn tại Thông tư 56, hoạt động khám giám định phúc quyết theo đề nghị của tổ chức, cá nhân (do không đồng ý với kết luận của Hội đồng GĐYK) sẽ̃ được thực hiện, khi có văn bản đề nghị khám giám định phúc quyết của một trong các cơ quan sau đây: Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế); Bộ LĐ-TB&XH; Sở Y tế; Sở LĐ-TB&XH; cơ quan BHXH từ cấp tỉnh trở lên; người SDLĐ; Hội đồng GĐYK cấp tỉnh đối với trường hợp Hội đồng GĐYK cấp tỉnh đã giám định cho đối tượng, nhưng đối tượng không đồng ý với kết luận của Hội đồng đó và đề nghị giám định phúc quyết. Văn bản đề nghị phải do lãnh đạo cơ quan thường trực của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh nơi đã khám cho đối tượng ký và đóng dấu, trong đó phải ghi rõ đối tượng không đồng ý với kết luận của Hội đồng và đề nghị giám định phúc quyết, đồng thời phải kèm theo Giấy đề nghị giám định phúc quyết của đối tượng đó.
 
Hồ sơ khám giám định phúc quyết lần cuối sẽ cần văn bản đề nghị khám giám định phúc quyết lần cuối của một trong các cơ quan sau đây: Bộ Y tế; Bộ LĐ-TB&XH; BHXH Việt Nam; người SDLĐ; Hội đồng GĐYK cấp Trung ương đối với trường hợp Hội đồng GĐYK cấp Trung ương đã giám định cho đối tượng, nhưng đối tượng không đồng ý với kết luận của Hội đồng và đề nghị giám định phúc quyết. Văn bản đề nghị phải do lãnh đạo cơ quan thường trực của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương nơi đã khám cho đối tượng ký và đóng dấu, trong đó phải ghi rõ đối tượng không đồng ý với kết luận của Hội đồng, đồng thời phải kèm theo Giấy đề nghị giám định phúc quyết lần cuối của đối tượng đó.
 
Thông tư cũng yêu cầu Hội đồng GĐYK có trách nhiệm cập nhật dữ liệu hồ sơ, biên bản GĐYK vào cơ sở dữ liệu KCB quốc gia, để liên thông với hệ thống dữ liệu của cơ quan BHXH. Tạo lập chứng từ điện tử về KCB BHYT theo quy định tại Nghị định 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và lộ trình do BHXH Việt Nam hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của chứng từ.
Báo BHXH
 

Đăng nhập mạng nội bộ

Số lượt truy cập: 3455479

Đường dây nóng (Hotline): 0234.3 933 983