Socicial Insurance Organ Title

Truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng

Cập nhật: Thứ Bảy, 20/10/2018, 9:3

Chiều 19/10, Báo Thừa Thiên Huế và Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò của truyền thông trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông, BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo BHXH và Báo các tỉnh thành phố khu vực miền trung, các sở, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí địa phương và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo thành ủy, thị ủy, huyện ủy, UBND cấp huyện và đại diện hai đơn vị tổ chức Hội thảo.


Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương làm tốt công tác BHXH, BHYT, BHTN. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, ban ngành các cấp trong tỉnh đã xem việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của địa phương. Cùng với việc tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện tốt các chế độ và chính sách có liên quan, công tác truyền thông đã được cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phối hợp với cơ quan BHXH và các ban ngành, đoàn thể, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư về công tác BHXH, BHYT, BHTN.
 
Trên tinh thần chủ đề của Hội thảo, đề dẫn do bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế trình bày đã chỉ ra những hạn chế và bất cập của công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tính chủ động trong công tác truyền thông chưa cao, nhiều lúc còn thụ động; chưa theo dõi, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội hoặc những phản ứng trái chiều của người lao động và nhân dân liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT để chủ động giải đáp. Chưa có nhiều nội dung và hình thức chuyên sâu để truyền thông trực tiếp đến các nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHYT ở cơ sở…
 
Đề dẫn của Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và tham luận của một số đại biểu cũng đã khẳng định công tác BHXH, BHYT và BHTN không chỉ là công việc của những người làm trong hệ thống cơ quan BHXH mà là của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không chỉ tuyên truyền cái được, mà còn phải phản ánh những hạn chế, những mặt tiêu cực, sách nhiễu của cán bộ, nhân viên làm công tác BHXH; chỉ ra những việc chưa làm được có thể dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH, BHYT làm mất an ninh chính trị và an toàn xã hội. Nhân rộng những gương điển hình trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Hiệu quả của công tác phối hợp tuyên truyền giữa cơ quan BHXH và các cơ quan truyền thông đã đồng bộ và hiệu quả chưa, hay chỉ mang tính hình thức. 
 
 
Ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV , Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV , Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến của cán bộ, đảng viên và người dân về công tác BHXH, BHYT, BHTN. Trong tuyên truyền và vận động, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành BHXH với các ban, ngành liên quan. Tuyên truyền những mô hình, điển hình làm tốt, phê phán các tổ chức, cá nhân cố ý chây ì, nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài, các hành vi trục lợi BHXH, BHYT... Chú trọng làm rõ những điểm mới về cải cách chính sách BHXH gắn với chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII). 
 
Một số tham luận tập trung trình bày và phân tích về tầm quan trọng của chính sách này cũng như thực trạng đáng lưu tâm. Mặc  dù số đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng qua mỗi năm, nhưng vẫn chưa toàn diện và thiếu bền vững. Trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động trong chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn hạn chế. Nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp làm xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của người lao động về BHXH, BHYT ngày càng gia tăng. 
 
Đặc biệt, nhiều tham luận đã giới thiệu kinh nghiệm hay trong việc thực hiện nghiêm túc các chế độ BHXH để giữ chân người lao động. Vai trò của công đoàn trong thực hiện khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với việc ký kết quy chế phối hợp liên ngành đã phát huy sức mạnh tổng hợp khi kiến nghị các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại. Công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đã đạt kết quả khả quan nhờ áp dụng các phương pháp tập huấn, đối thoại, phát tờ rơi...cho các đối tượng,. Việc huy động bộ máy chính trị cấp cơ sở từ lãnh đạo UBND các xã, các đoàn thể, trưởng thôn đến nhân viên đại lý thu...tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi đã phát huy tác dụng trong việc phát triển đối tượng tham gia. 
 
 
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh 
 
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ: Để vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành đúng thời gian, chất lượng, hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đồng thời đáp ứng sự hài lòng, tin tưởng của tổ chức (bao gồm doanh nghiệp), cá nhân đối với cơ quan BHXH trong việc phục vụ và thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo, công chức, viên chức BHXH tỉnh, đó là quyết tâm, quyết liệt cải cách hành chính. Đây là một trong những nội dung quan trọng gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các hoạt động nghiệp vụ; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính. Theo đó, tư duy được thay đổi từ chỗ xem nhẹ sang đặt tổ chức, cá nhân vào vị trí trung tâm; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm mục tiêu của cải cách hành chính và là thước đo quan trọng trong xem xét, đánh giá, sử dụng công chức, viên chức.
 
Các tham luận tập trung về vai trò truyền thông trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BHTN. Đó là phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN. Vai trò của báo chí trong định hướng truyền thông về BHXH. Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông, công tác truyền thông cũng cần đổi mới nâng cao hiệu quả đáp ứng nhu cầu của người lao động trong tình hình hình mới. BHXH không đơn độc khi báo chí luôn đồng hành, nhất là tính khách quan của mỗi nhà báo trong thông tin về chính sách BHXH để người lao động có cái nhìn bao quát. Công tác tuyên truyền  cần phải được coi trọng và quan tâm sâu sắc hơn, theo đó việc phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp,  sự đồng hành của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
 
Hội thảo cũng đã chia sẻ các kỹ năng, giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan BHXH Việt Nam và các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông. Giới thiệu nội dung của công tác truyền thông và những kinh nghiệm trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN; qua đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên các cơ quan thông tấn, báo chí.
PTD
 

Đăng nhập mạng nội bộ

Số lượt truy cập: 3455754

Đường dây nóng (Hotline): 0234.3 933 983