Socicial Insurance Organ Title

GIỚI THIỆU BẢO HIỂM XÃ HỘI

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội của đất nước ta trong thời gian qua đã hình thành nên một lực lượng lao động rất lớn có nhu cầu tham gia BHXH. Theo thống kê, năm 2005 nước ta có hơn 42 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có khoảng 10 triệu lao động làm công ăn lương. Con số lao động làm công ăn lương không ngừng gia tăng với số lượng lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2005, chỉ có khoảng 6,2 triệu lao động tham gia BHXH (Chiếm khoảng 14% lực lượng lao động) . Điều này cho thấy, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH là một yêu cầu bức thiết của xã hội.

Sự đa dạng của các thành phần kinh tế kéo theo sự đa dạng của các loại hình lao động, đòi hỏi BHXH cũng phải có nhiều loại hình mới và nội dung của chúng cũng phải phong phú, đa dạng mới phù hợp với yêu cầu phát triển. Bên cạnh BHXH bắt buộc, cần phải có BHXH tự nguyện, ngoài ra cần phải có thêm nội dung BHXH thất nghiệp… Hơn nữa, sự phát triển của xã hội đã khiến chất lượng cuộc sống được nâng cao nên nội dung và mức độ thụ hưởng của các chế độ BHXH cũng không như trước được nữa, mà phải có sự hoàn thiện hơn, có chiều sâu hơn. Đây cũng chính là định hướng phát triển tất yếu của BHXH trong quá trình đất nước hội nhập quốc tế. Nói rõ hơn : để hội nhập, các chế độ, chính sách BHXH của nước ta cần phải điều chỉnh để thoả mãn các yêu cầu, quy chuẩn của quốc tế về an sinh xã hội.

Nói chung, sự đa dạng các loại hình BHXH, mở rộng đối tượng tham gia với quy mô lớn, phát triển có chiều sâu các chế độ chính sách BHXH, tất yếu phải có một khung pháp lý xứng tầm để điều chỉnh. Một chương của Bộ luật lao động, các nghị định ban hành riêng lẻ thiếu đồng bộ như hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển của BHXH. Đó chính là lý do để Luật BHXH ra đời.

Nhìn từ góc độ chính trị, chúng ta có thể thấy rằng: Luật BHXH đã đáp ứng được yêu cầu về sự thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng về BHXH:

BHXH luôn được xác định là một chính sách lớn của Đảng. Trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và lần thứ IX, Đảng ta luôn đặt ra mục tiêu: “Từng bước mở rộng vững chắc hệ thống bảo hiểm và an sinh xã hội. Tiến tới áp dụng chế độ bảo hiểm cho mọi người lao động, mọi tầng lớp nhân dân”. Chính sách cụ thể là: Từng bước mở rộng, tăng nhanh đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH ở mọi thành phần kinh tế phù hợp với tiến trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo cho mọi người dân được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tham gia và thụ hưởng BHXH. Từng bước cải thiện lương hưu, các chế độ trợ cấp BHXH…

Tuỳ từng thời kỳ, chủ trương, chính sách của Đảng về BHXH đã được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật khác nhau, và chúng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh, định hướng sự phát triển của hoạt động BHXH. Có thể nói Luật BHXH ra đời thực sự là một thành quả vượt bậc trong việc thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Luật sẽ đóng vai trò quan trọng: sớm đưa chủ trương đường lối chính sách của Đảng vào cuộc sống, phát huy những giá trị tích cực trong lĩnh vực BHXH nói chung và trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung.

Nhìn từ góc độ lập pháp, Luật BHXH là kết quả của quá trình phát triển, hoàn thiện của pháp luật về BHXH:

- Giai đoạn từ 8/1945-1954: Sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến đời sống của người lao động, trong đó có vấn đề về BHXH. Trong văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất- Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Quyền lợi của các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm” (Điều 13), “Những người già cả hoặc tàn tật không làm việc được thì được giúp đỡ” (Điều 14). Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã thành lập ban biên soạn Luật lao động trong đó có quy định về BHXH, nhưng do tình hình Thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nên Luật lao động không được Quốc hội thông qua.

Tuy hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng để bảo đảm trợ cấp cho công nhân, viên chức Nhà nước nên Chính phủ đã ban hành các Sắc lện về BHXH đó là: Sắc lệnh số 105-SL ngày 14/8/1946 quy định về vấn đề nghỉ hưu đối với công chức Nhà nước; Sắc lệnh số 29-SL ngày 12/3/1947 quy định chế độ đối với công nhân làm tại các xưởng kỹ nghệ hầm mỏ, thương điếm và tư nhân được thực hiện các chế độ trợ cấp thai sản, trợ cấp ốm đau; Sắc lệnh số 76-SL ngày 20/5/1950 Ban hành quy chế công chức Việt Nam.

- Giai đoạn 1954-1975: Trước hết, phải nói quyền được BHXH của người lao động đã được công nhận ở Hiến pháp 1959. Nhằm cụ thể hơn những quy định của Hiến pháp về BHXH, ngày 27/12/1961, Chính phủ ban hành Nghị định 218/CP kèm theo Điều lệ tạm thời về BHXH đối với công nhân, viên chức Nhà nước. Đối với quân nhân trong lực lượng vũ trang, Chính phủ ban hành Điều lệ ưu đãi tạm thời đối với quân nhân (ngày 30/10/1962). Đây được coi là những văn bản gốc quy định chế độ BHXH ở Việt Nam trong giai đoạn này. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ có ban hành một số nghị định, quyết định bổ sung, sửa chữa các chế độ BHXH cụ thể.

- Giai đoạn 1975-1994: Sau khi thống nhất đất nước, hệ thống pháp luật về BHXH của nước ta được thực hiện thống nhất từ năm 1976, trên cơ sở của Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961. Trong quá trình tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước ta có nhiều thay đổi. Về con người, lực lượng cán bộ tham gia kháng chiến sức khoẻ giảm sút nhiều, đồng thời yêu cầu bức thiết phải sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước …Do vậy, trong thời kỳ này có nhiều nghị định, quyết định bổ sung, sửa đổi các chế độ BHXH được ban hành. Lần bổ sung, sửa đổi nhiều nhất các chế độ BHXH được quy định tại Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985, và Quyết định số 133/HĐBT ngày 01/11/1986 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ)

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước. Sự đổi mới đã tác động đến hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội và trong tình hình đó, pháp luật về BHXH trong cơ chế cũ cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm cần khắc phục. Để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, khắc phục những tồn tại của pháp luật BHXH hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/CP ngày 23/6/1993 quy định tạm thời về BHXH với nhiều nội dung cơ bản khác với các quy định trước.

Sau 01 năm thực hiện Nghị định số 43/CP của Chính phủ, qua đúc rút nhiều kinh nghiệm thực tiễn, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua những quy định về BHXH trong Bộ luật lao động. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với lĩnh vực BHXH vì là lần đầu tiên ở nước ta, pháp luật về BHXH đã được quy định khá cụ thể ở một hình thức văn bản có hiệu lực cao ở mức độ là một đạo luật.

- Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật lao động đến khi Luật BHXH ra đời: Bộ luật lao động Nước cộng hoã xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23/6/1994, có hiệu lực từ ngày 01/01/1995, đã dành 01 chương (Chương XII) và nhiều điều ở các chương khác để quy định về BHXH. Tiếp đó, Điều lệ BHXH được ban hành kèm theo Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ (có hiệu lực từ 01/10/1995). Đồng thời, Chính phủ cũng đã có Nghị định 19/CP ngày 16/02/1995 quy định về việc thành lập BHXH Việt Nam là hệ thống cơ quan thực hiện công tác BHXH. Đối với chế độ BHXH của lực lượng vũ trang, Chính phủ cũng đã có Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 ban hành Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân và công an nhân dân để kiện toàn chế độ BHXH cho đối tượng này.

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH: cán bộ xã phường, người lao động ở các đơn vị có sử dụng 01 lao động trở lên…và điều chỉnh các chế độ BHXH thông qua các nghị định, quyết định của Chính phủ. Năm 2002, Quốc hội đã thông qua việc sửa chữa, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động, trong đó có các quy định về BHXH.

Luật BHXH được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 là kết quả của một quá trình phát triển, trải nghiệm lâu dài của thực tiễn hoạt động và hệ thống pháp luật về BHXH. Việc xây dựng Luật BHXH đã trải qua nhiều năm với hơn 10 lần dự thảo. Rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự luật được luận bàn sôi nổi trên các phương tiện thông tin, giúp cho những người làm công tác lập pháp có được một sản phẩm hoàn thiện.

Xây dựng một đạo luật hoàn thiện về BHXH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trên cơ sở kinh nghiệm của một quá trình lâu dài thực hiện chính sách BHXH là một chủ trương sáng suốt của Đảng. Luật BHXH chắc chắn sẽ tác động tích cực vào đời sống xã hội, mở ra một giai đoạn phát triển mới của hoạt động BHXH và toàn bộ hệ thống an sinh xã hội của đất nước ta. Đó là điều mà nhân dân kỳ vọng vào sự ra đời của Luật BHXH.

Đăng nhập mạng nội bộ

Số lượt truy cập: 3457255

Đường dây nóng (Hotline): 0234.3 933 983