Socicial Insurance Organ Title

Tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015

Cập nhật: Thứ Năm, 2/7/2015, 9:30

Tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, những yếu tố liên quan đến việc tham gia BHYT là điều kiện về kinh tế - xã hội, sự hoàn thiện và tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật, cách thức tổ chức thực hiện, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, những nỗ lực của các cấp, các ngành với những giải pháp đồng bộ và cụ thể, cách thức triển khai mạnh mẽ, phù hợp nên công tác BHYT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác BHYT đã có những chuyển biến tích cực, thông qua hoạt động truyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân về chính sách BHYT đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Người dân được thuận tiện khi tham gia BHYT, mở rộng nhiều điểm thu hơn, có nhiều đại lý thu để lựa chọn theo nhu cầu, thủ tục tham gia đơn giản, công tác thu nộp, phát hành thẻ BHYT được nhanh hơn.
Tuyên truyền trực quan tại Trụ sở UBND tỉnh nhân ngày BHYT Việt Nam 01/7
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xây dựng được một mạng lưới đại lý thu rộng khắp ở các xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh nên tạo điều kiện tốt trong công tác tuyên truyền, vận động, thu nộp và phát hành thẻ BHYT, làm cầu nối giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với người dân một cách hữu hiệu. Tham gia giải quyết các vướng mắc của đơn vị, đối tượng tham gia BHYT; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của đối tượng tham gia BHYT nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, trang thiết bị, phần mềm quản lý được quan tâm đầu tư, do đó, công tác thu, quản lý đối tượng đảm bảo khá kịp thời, chính xác, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác BHYT.
Nhìn chung, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và đem lại ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 03/02/2015 triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 24/02/2015 thành lập Ban Thường trực và Tổ giúp việc Ban Thường trực tổ chức triển khai thực hiện và giải quyết các vướng mắc khi thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT, xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn, có đánh giá sơ, tổng kết để rút kinh nghiệm. 
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh; phối hợp với cấp ủy, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức phổ biến, tuyên truyền, triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cho các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện cũng như cho các đơn vị sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn.
 
Đ/c Võ Khánh Bình, Giám đốc BHXH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại
Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT
 
Sở Y tế phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan, ban ngành tổ chức phổ biến, quán triệt cho công chức, viên chức ngành Y tế; truyền thông cho người dân trên địa bàn tỉnh các quy định của pháp luật về BHYT bằng nhiều hình thức như: đưa tin qua đài phát thanh, truyền hình, qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức của những người làm công tác BHYT, người tham gia BHYT. Đẩy mạnh tuyên tuyền trực quan bằng các hình thức: Pano, khẩu hiệu, tờ gấp... Công tác tuyên truyền đạt những kết quả nhất định, tạo được sự chuyển biến lớn về nhận thức trong cộng đồng dân cư và ý thức trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành thấy được trách nhiệm thực hiện BHYT toàn dân gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế mở rộng hệ thống khám chữa bệnh (KCB) và nâng cao chất lượng KCB BHYT trên toàn tỉnh. Hệ thống cơ sở KCB BHYT ngày càng được mở rộng và chất lượng KCB cũng được nâng cao rõ rệt. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn chuyển tuyến, chuyển tuyến giáp ranh đối với các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, phân bổ số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu đúng theo quy định của Luật, phù hợp tình hình thực tiễn và đảm bảo quyền lợi, thuận tiện cho người tham gia BHYT khi đi KCB.
Kết quả thực hiện
Công tác phát triển đối tượng và thu BHYT:
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp các UBND các xã/phường/thị trấn, Bưu điện tỉnh, Công ty Bảo hiểm Dầu khí PVI Huế và các đơn vị liên quan xây dựng và đào tạo mạng lưới nhân viên đại lý thu BHYT. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân viên đại lý thu để làm thủ tục cho mọi người dân đóng BHYT ngay tại nơi cư trú. Hiện nay, đã có các đại lý tại 152 xã/phường/thị trấn, các điểm thu BHYT của Bưu điện tại tất cả các Bưu điện văn hóa xã. Riêng địa bàn Thành phố Huế còn có thêm 27 điểm giao dịch của Công ty Bảo hiểm Dầu khí PVI Huế đóng trên 27 phường của Thành phố Huế .
Cơ quan Bảo hiểm xã hội hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động, các đơn vị liên quan kịp thời lập danh sách và in cấp thẻ BHYT ngay từ đầu năm cho người lao động và các nhóm đối tượng được ngân sách đóng, hỗ trợ mức đóng hoặc từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội, đảm bảo bệnh nhân có thẻ khi đi KCB. 
Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, trong thời gian vừa qua đã có nhiều chuyển biến đáng kể trong lĩnh vực BHYT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể là:
- Độ bao phủ BHYT tăng từ 70% vào cuối năm 2010 lên trên 79% tính đến thời điểm 30/6/2015 (tăng bình quân 2%/năm). 
- Tổng số đối tượng tham gia BHYT năm 2008 từ 634.659 người lên 914.471 người vào năm 2014, tương ứng tăng 44,09% so với năm 2008. Tính đến thời điểm 30/6/2015, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 911.444 người, chiếm 79,74 % dân số toàn tỉnh (đạt và vượt tỷ lệ khoảng 1% so với lộ trình đăng ký BHYT toàn dân vào thời điểm năm 2015). 
- Đến tháng 6/2015, tổng số người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 258.257 người, chiếm tỷ lệ 28,33% trên tổng số người tham gia BHYT (Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ người tham gia BHYT hộ gia đình cao trong cả nước).
- Tính đến ngày 31/12/2014, số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện/thị xã/thành phố và tương đương: 275.777 thẻ (chiếm tỷ lệ 30,1%), tại tuyến xã/phường/thị trấn và tương đương: 535.080 thẻ (chiếm tỷ lệ 58,4%). Đến giai đoạn hiện tại cơ bản thống nhất quy định cụ thể số lượng thẻ đăng ký KCB ban đầu cho từng cơ sở Y tế, đảm bảo 100% các đối tượng tham gia BHYT, kể cả trẻ em và các đối thượng thuộc diện chính sách được KCB theo đúng quy định.
Ước tính đến ngày 30/6/2015, tổng số tiền đóng BHYT toàn tỉnh thu được là 296,9 tỷ đồng, vượt 3% so với định mức thu của 6 tháng đầu năm. Tổng số tiền nợ BHYT ước khoảng 9,9 tỷ đồng.
Ngân sách địa phương đảm bảo nguồn kinh phí đóng, hỗ trợ mức đóng cho các đối tượng tham gia BHYT theo đúng quy định.
Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng KCB BHYT:
Để liên tục duy trì chất lượng KCB, ngoài tăng cường các nguồn lực, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế đưa ra nhiều biện pháp tích cực để hạn chế tình trạng quá tải, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT, cụ thể là: 
- Bố trí, sắp xếp lại nơi làm việc hợp lý để tạo thêm buồng bệnh điều trị: Nhiều đơn vị đã chú ý rà soát, bố trí lại khu vực KCB khoa học, sắp xếp tinh gọn các phòng hành chính, tăng thêm phòng điều trị cho bệnh nhân, từng bước giảm tải bệnh nhân.
- Bố trí đủ các bàn khám chuyên khoa: Các đơn vị đã bố trí hợp lý hơn lịch khám bệnh tại đơn vị, chủ động phương án bổ sung cán bộ làm việc tại các bàn khám chuyên khoa, đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân.
- Tăng cường thực hiện phân tuyến kỹ thuật: Các đơn vị chủ động bổ sung thực hiện phân tuyến kỹ thuật, có kế hoạch cử đi đào tạo thực hiện các kỹ thuật mới để hạn chế tình trạng chuyển tuyến gây quá tải bệnh viện tuyến trên. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên, thực hiện chuyển giao bổ sung các kỹ thuật trong phân tuyến tại đơn vị mình.
- Tăng cường công tác KCB bằng phương pháp y học cổ truyền: Tại các Bệnh viện đã triển khai máy sắc thuốc hỗ trợ điều trị nội trú, tăng cường ứng dụng các kỹ thuật mới về y học cổ truyền vào điều trị. Các Trạm Y tế đã tuyển dụng đủ cán bộ chuyên trách là các Y sĩ y học cổ truyền và triển khai hoạt động KCB bằng y học cổ truyền trên 100% xã/phường/thị trấn.
- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến: Các đơn vị tiếp tục triển khai kế hoạch chỉ đạo tuyến phù hợp với nhu cầu của tuyến dưới, đẩy mạnh chuyển giao chuyên môn kỹ thuật thông qua công tác chỉ đạo tuyến, đặc biệt chú trọng đến các công tác sơ cấp cứu ban đầu, hồi sức sơ sinh, có kế hoạch chủ động luân phiên đưa cán bộ tuyến xã lên thực tập tại bệnh viện tuyến huyện/thị xã/thành phố; tổ chức giao ban lồng ghép trao đổi chuyên môn; thực hiện nghiêm túc chế độ phản hồi thông tin các trường hợp chuyển viện.
Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị KCB tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho hệ thống cơ sở KCB BHYT trên địa bàn; ban hành các văn bản hướng dẫn phân bổ số thẻ đăng ký ban đầu, quy định chuyển tuyến theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp Sở Y tế và các đơn vị KCB mở rộng mạng lưới KCB BHYT đến tuyến y tế cơ sở, đảm bảo người bệnh được KCB ngay tại địa phương cư trú. Hiện nay, toàn tỉnh có 33 đơn vị ký hợp đồng KCB BHYT với mô hình rất đa dạng, từ Bệnh viện tuyến Trung ương (Hạng đặc biệt) đến tuyến y tế cơ sở, các bệnh viên công lập và tư nhân (từ hạng I đến hạng IV), trong đó có 4 Bệnh viện thuộc bộ ngành, 21 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, 5 đơn vị y tế tư nhân, 2 Trạm Y tế cơ quan thuộc 2 Công ty và 1 Phòng khám Trung tâm y tế Học đường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Tổng số đơn vị KCB triển khai đăng ký KCB ban đầu là 187 đơn vị, đặc biệt trong đó có 152/152 Trạm Y tế xã/phường/thị trấn triển khai KCB BHYT ban đầu cho người dân trên địa bàn (đạt tỷ lệ 100%).
Các cơ sở KCB nâng cao chất lượng điều trị, phát triển các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, đặc biệt tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược. Bên cạnh đó, mạng lưới KCB BHYT được triển khai 100% Trạm Y tế xã/phường/thị trấn có dịch vụ kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, điện tim, đo tim thai bằng doppler. Cơ bản quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT được đảm bảo tốt nên tạo sự an tâm của người dân khi tham gia BHYT, góp phần tuyên truyền vận động người dân chưa có thẻ BHYT tích cực tham gia BHYT.
Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp đơn vị KCB nâng cao trách nhiệm đảm bảo quyền lợi chính đáng theo quy định mới cho đối tượng tham gia BHYT. Đảm bảo thuốc, vật tư y tế phục vụ cho người bệnh. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quy trình đón tiếp, thanh toán, cố gắng giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Các cơ sở KCB tăng cường công tác thường trực, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người bệnh BHYT ngay tại đơn vị KCB BHYT. Sự phối hợp tích cực của các cơ sở KCB BHYT trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng theo quy định mới cho đối tượng tham gia BHYT. 
Chi phí KCB BHYT:
Ước chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2015 của bệnh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế là 294 tỷ đồng/1.094.000 lượt (chi phí tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và số lượt tăng 5%). Trong đó: 
+ Chi cho KCB nội trú là: 206 tỷ đồng / 94.898 lượt.
+ Chi cho KCB ngoại trú là: 88 tỷ đồng/999.102 lượt.
- Tỷ lệ sử dụng quỹ KCB là 97 % (tăng 1% so với cùng kỳ năm trước).
Công tác phối hợp liên ngành:
Ngay từ khi triển khai thực hiện Luật BHYT, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng như các sở, ban ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt chính sách BHYT trên địa bàn. Hoạt động phối hợp diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: Triển khai lập kế hoạch phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; Phối hợp chỉ đạo các đơn vị thực hiện các thông tư hướng dẫn KCB BHYT, tăng cường chất lượng điều trị, thực hiện phân tuyến kỹ thuật, mở rộng mạng lưới KCB BHYT; Phối hợp trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung giá dịch vụ kỹ thuật để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt; Phối hợp trong công tác thanh quyết toán BHYT; Tổ chức hội nghị liên ngành đánh giá tình hình phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và thống nhất mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện trong những năm đến, đồng thời phối hợp các sở, ban ngành xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp về việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn quản lý.
UBND tỉnh giao Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách về BHYT luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành. 
Qua tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác KCB BHYT trên địa bàn cho thấy tại các đơn vị được kiểm tra, chất lượng và hiệu quả KCB ngày càng được nâng cao về chuyên môn lẫn tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến KCB, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, được nhân dân trong tỉnh đánh giá cao và đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân. Công tác thanh quyết toán chi phí KCB đúng theo giá dịch vụ, sử dụng thuốc đúng theo danh mục của Bộ Y tế, chứng từ hóa đơn dược, vật tư y tế tiêu hao nhập xuất đều được lưu trữ đầy đủ. Việc chỉ định điều trị, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm hợp lý. 
Nhìn chung, trong thời gian qua có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về BHYT ngày càng chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời.
Nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trong thời gian tới
Để thực hiện có kết quả mục tiêu BHYT toàn dân theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, pháp luật của Nhà nước, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp như sau:
1. Chủ động, tích cực trong việc tham mưu và triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; Hướng dẫn số 152-HD/BTGTƯ ngày 05/5/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động và bảo hiểm y tế toàn dân”. Tham gia Cuộc thi “Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
2. Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Công tác chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành có vai trò quyết định, bởi vì, chính sách BHYT mang tính toàn dân, phụ thuộc vào nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau. Nếu không có sự chỉ đạo cụ thể và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục thì không thể đạt được kết quả như mong muốn. 
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, nhất là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. UBND thành phố, thị xã, huyện chủ động rà soát, giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các xã/phường/ thị trấn. Các cấp, các ngành phải xem việc thực hiện BHYT toàn dân là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. 
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý  thức về trách nhiệm, quyền lợi trong việc thực hiện chính sách BHYT. Chú trọng tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ khi thực hiện BHYT toàn dân trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành và trong toàn dân; tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động trong các thành phần kinh tế tư nhân, hợp tác xã. Chủ động rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch BHYT toàn dân; đẩy mạnh công tác khai thác, phát triển đối tượng.
Chú trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng ở xã/phường/thị trấn; tuyên truyền miệng tại thôn, xóm, tổ dân phố; trên đài truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp chuyển đến tận tay đối tượng; thực hiện tuyên truyền đến tất cả các nhóm đối tượng có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng các cụm pa nô, áp phích ở nơi tập trung đông dân cư, nơi nhiều người qua lại.
4. Nâng cao năng lực và chất lượng của hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo cấp thẻ BHYT và giải quyết kịp thời các chế độ đối với người tham gia BHYT; phân loại đối tượng đăng ký KCB ban đầu theo hướng giảm tỷ lệ đăng ký tại các cơ sở KCB tuyến trên; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông trong công tác quản lý và tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ. 
5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng kịp thời các đơn vị thực hiện tốt, xử phạt các đơn vị không thực hiện đúng Luật BHYT. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn. Đưa nội dung triển khai BHYT toàn dân vào chỉ tiêu thi đua hàng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam; sự phối hợp, hỗ trợ của ngành Y tế và các cấp, các ngành; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, người lao động trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tin tưởng và quyết tâm hơn nữa để thực hiện một cách tốt chính sách, pháp luật về BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.
                            
BHXH Thừa Thiên Huế
           
 

Đăng nhập mạng nội bộ

Số lượt truy cập: 3455616

Đường dây nóng (Hotline): 0234.3 933 983